Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 mà Bộ Công Thương xây dựng cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng mới đáp ứng yêu cầu phê duyệt theo quy định.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8).
Kết luận nêu rõ: Mặc dù đã rất nỗ lực, cố gắng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, song dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 được Bộ Công Thương trình Thủ tướng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu chi tiết để triển khai khả thi, hiệu quả và trình tự, thủ tục còn chưa đầy đủ theo quy định.
Trình tự, thủ tục chưa đầy đủ
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các bộ, cơ quan tại cuộc họp để hoàn thiện kế hoạch. Trong đó lưu ý bám sát các mục tiêu của Quy hoạch điện 8 đã được phê duyệt, đặc biệt là phát triển nguồn, lưới điện, các giải pháp, nguồn lực thực hiện.
Rà soát, thống kê đầy đủ các dự án nguồn năng lượng tái tạo đã được phê duyệt và đang thực hiện, đáp ứng yêu cầu của quy hoạch, rà soát tiến độ đề xuất trong kế hoạch thực hiện. Hướng dẫn địa phương về tiêu chí cụ thể, đề xuất các dự án đáp ứng yêu cầu được tiếp tục triển khai và đưa vào kế hoạch thực hiện.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương rà soát các quy định liên quan quy hoạch, điện lực, đất đai, pháp luật. Công tác quản lý, điều hành về cung ứng điện phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Mục tiêu nhằm xác định sự cần thiết hay không cần thiết của việc tính toán cân đối cung – cầu hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện các miền và xác định danh mục các dự án nguồn điện đưa vào vận hành đến năm 2030.
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm rà soát thực hiện thủ tục xây dựng kế hoạch, đảm bảo đúng quy định, lấy ý kiến đầy đủ của các địa phương.
Làm rõ việc phân bổ công suất đến từng vùng, tỉnh
Đối với việc giữ nguyên đề xuất phát triển nguồn năng lượng tái tạo theo hướng phân bổ công suất đến vùng hoặc tỉnh, Phó thủ tướng đề nghị cần bổ sung báo cáo rõ về việc tổ chức thực hiện, đảm bảo tính khả thi.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương có liên quan rà soát, thống kê đầy đủ về các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo đã được quyết định chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư và đang triển khai, đáp ứng các yêu cầu được kế thừa triển khai trong quy hoạch điện 8; rà soát tiến độ triển khai của các dự án đủ điều kiện để tính toán, đề xuất trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8.
Bộ Công Thương có hướng dẫn các địa phương về các tiêu chí cụ thể (pháp lý, công nghệ, hiệu quả…) để thực hiện việc rà soát các dự án đang triển khai và đề xuất các dự án đáp ứng các yêu cầu được kế thừa tiếp tục triển khai và đưa vào Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện.
Trước đó, tại tờ trình về kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương cho hay giai đoạn đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 11,3 – 13,5 tỉ USD đầu tư các dự án nguồn và lưới điện, từ nguồn đầu tư công và vốn khác.
Nguồn điện lớn sẽ được phân theo loại hình, vùng miền. Trong đó, nguồn điện chạy nền vẫn giữ vai trò quan trọng như điện khí LNG nhập khẩu, khí trong nước, thủy điện lớn. Dự án điện gió ngoài khơi, mặt trời sẽ phân bổ theo vùng, địa phương lựa chọn quy mô, vị trí dự án.
Các dự án điện mặt trời mái nhà sẽ được phân bổ theo tỉ lệ quy mô diện tích đất khu công nghiệp, với công suất phát triển khoảng 2.600 MW năm 2030.
Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất cơ chế, giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thực hiện hiệu quả kế hoạch này.
UBND tỉnh, thành phố rà soát quy hoạch địa phương đảm bảo đồng bộ, thống nhất với kế hoạch thực hiện. Các địa phương lựa chọn chủ đầu tư các dự án phù hợp quy mô công suất từng loại nguồn điện được xác định cho tỉnh trong kế hoạch này.
[Nguồn: Báo Tuổi Trẻ]