Tình hình thiếu điện đang ở mức gay go song một nghịch lý đang diễn ra là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) lại không được hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần nhanh chóng đưa các dự án năng lượng tái tạo vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư của chính các nhà đầu tư, góp phần đảm bảo nguồn cung điện.
Một trong những tâm điểm đang thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian gần đây đó là tình trạng ngừng cung cấp điện, thiếu điện. Dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có nỗ lực thực hiện một số giải pháp cấp bách, tuy nhiên nguy cơ tiếp tục thiếu điện vẫn có thể tái diễn. Và theo dự báo, việc bảo đảm cung ứng đủ điện trong thời gian tới cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở miền Bắc.
Mục lục - Table of Contents
Chưa huy động điện tái tạo nhưng lại mua điện từ Lào, Trung Quốc
Thời gian vừa qua, dư luận đang nóng lên xung quanh câu chuyện về lãng phí điện gió, điện mặt trời. Tâm điểm là việc nguồn điện mặt trời, điện gió lên tới 4.600 MW đến nay vẫn chưa được hòa lưới, trong khi Việt Nam phải đi mua điện của Trung Quốc, Lào.
Ngành Điện đang thiếu điện rất gay gắt đây là thực tế không phải bàn cãi và đã được dự báo từ trước đó rất lâu. Cụ thể, về nguồn cung ứng điện, năm 2023 là năm khí hậu chịu ảnh hưởng bởi El Nino. Thời tiết khô hạn dẫn đến các hồ thủy điện không đủ nước để phát điện. Nhiều ngày nắng nóng trong tháng 4 và tháng 5 với nhiệt độ trên 40 độ C làm cho nhu cầu tiêu dùng điện tăng đột biến, càng làm nguồn cung giảm nhanh dẫn đến nguy cơ thiếu hụt. Trước tình đó, EVN buộc phải cắt điện ở nhiều nơi, kêu gọi thực hành tiết kiệm điện, đồng thời tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc và huy động mọi nguồn phát khả dụng có chi phí cao khác.
Nghịch lý ở đây là trong lúc đang thiếu điện, nhưng vẫn còn tổng cộng khoảng 4.600 MW từ điện gió và điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng, vượt qua thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thể phát lên lưới.
Dù Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Công thương đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, tiêu dùng và chỉ thị Bộ Công thương không được để thiếu điện. Thủ tướng cũng yêu cầu tiến hành đàm phán theo giá tạm tính với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng và có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia. Thế nhưng, đến nay các DN điện tái tạo vẫn tiếp tục “kêu cứu” vì không thể phát điện lên lưới.
Tại sao điện tái tạo “ngoắc ngoải” không hòa vào lưới được?
Mặc dù Nhà nước khuyến khích phát triển cùng với nhu cầu sử dụng điện năng trong nước tăng nhanh nhưng nhiều doanh nghiệp đầu tư năng lượng điện tái tạo tại Việt Nam, bao gồm điện gió, điện mặt trời vẫn phải đối mặt thực trạng dư thừa năng lực sản xuất, đủ điều kiện phát điện nhưng không bán được sản phẩm ra thị trường.
Theo phương án của Bộ Công thương, đối với các dự án đã hoàn thành (điện gió, điện mặt trời), Bộ Công thương chỉ đạo chỉ cho ký hợp đồng mua bán điện với giá bằng 50% theo khung giá của Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công thương (ngày 7/1/2023).
Cụ thể, đối với nhà máy điện mặt trời mặt đất: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT, theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/04/2017) thì nay điều chỉnh chỉ còn 1.184,9 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT, theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương ngày 07/01/2023), tức là đã giảm 901,1 đồng/kWh, tương đương giảm 43,19%.
Đối với giá điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT, theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/09/2018) thì nay điều chỉnh chỉ còn 1.815,95 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT, theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương ngày 07/01/2023) tức là đã giảm 407,05 đồng/kWh, tương đương giảm 18,31%.
Việc chỉ mua với giá trần (giá cao nhất) của khung giá phát điện theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương ngày 07/01/2023 gây thiệt hại về kinh tế của nhà đầu tư do không đảm bảo các chi phí đầu tư của dự án. Nhiều nhà đầu tư phản ánh, với giá mua điện tạm tính này, DN cảm thấy vô cùng sốc, bởi buộc phải ký, nếu không sẽ tiếp tục không được phát điện và rồi khó khăn lại thêm chồng chất khó khăn, nguy cơ phá sản là hiện hữu.
Với tình hình trên, xem ra khả năng các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp khó có thể tham gia để “góp sức” vào nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao vào mùa hè này. Và hàng ngàn tỉ đồng đầu tư điện gió, điện mặt trời có nguy cơ phải tiếp tục “đắp chiếu” và tiếp tục chờ cơ chế.
Giải pháp nào “giải cứu” điện tái tạo?
Theo các nhà đầu tư, một số thủ tục đầu tư (chủ yếu liên quan đến đất đai như: Chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất…) thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án đầu tư.
Việc UBND các cấp tại địa phương chậm giải quyết thủ tục hành chính là có (vấn đề chậm, muộn giải quyết thủ tục một phần đã gây khó khăn cho DN, người dân, nội dung này đã được đại biểu Quốc hội có ý kiến trong phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua). Tuy nhiên, việc chậm giải quyết thủ tục hành chính này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, hiệu quả của dự án và không phải trách nhiệm thuộc về các nhà đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, để hài hòa lợi ích quốc gia, nhất quán về chủ trương, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của Nhà nước, tạo điều kiện và động lực cho các nhà đầu tư/DN điện tái tạo phát triển, phục hồi sau đại dịch Covid-19, tránh lãng phí tài nguyên đất nước, cần có giải pháp sớm huy động các dự án hòa lưới điện song song với việc đàm phán giá mua điện mới.
Phải tính toán cho DN có một mức giá đủ để vận hành nhà máy, có thể xem xét mức giá mua điện mới giảm khoảng từ 8-10% so với giá theo Quyết định 39/TTg để phù hợp với tình hình mới và hài hòa giữa các bên.
Phát triển điện gió, điện than phải đi kèm với hệ thống cạnh tranh tải điện, phân phối, sử dụng và giá điện phù hợp. Thế nhưng, ngành Điện vẫn còn nằm trong số ít dịch vụ hàng hóa độc quyền dù đã có chủ trương hình thành thị trường phát điện cạnh tranh cách đây hàng chục năm. Luật Điện lực cũng quy định tách đơn vị phát điện độc lập không có chung lợi ích với đơn vị bán buôn điện, truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện.
Theo tính toán từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để phát triển loại hình năng lượng tái tạo. Nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 30%, phần còn lại phải xã hội hóa. Điều đó cho thấy nhu cầu xã hội hóa thu hút đầu tư sắp tới sẽ rất lớn với điện gió, điện mặt trời.
Sớm gỡ vướng cho các dự án năng lượng tái tạo, hoàn thiện quy trình với chính sách phát triển theo hướng tạo điều kiện đảm bảo hoàn vốn và có lợi nhuận, ưu đãi về thuế và đất đai, cạnh tranh công bằng, thì mới có thể thu hút nhà đầu tư.
[Nguồn: Báo Thanh Tra, Báo Kinh tế & Đô thị]