Gói thầu xây dựng nhà ga hành khách tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng bị hủy khiến tiến độ dự án sân bay lớn nhất nước nguy cơ về đích trễ hẹn.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 35/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp triển khai thực hiện dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Tại thông báo của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, đã được xác định mốc tiến độ rất cụ thể tại Nghị quyết của Quốc hội và quyết định phê duyệt dự án đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay dự án đang chậm tiến độ.
Đấu thầu lại hạng mục nhà ga hành khách
Sân bay Long Thành khởi công đầu năm 2021 và dự kiến về đích năm 2025. Sau nhiều nỗ lực và quyết liệt đốc thúc từ lãnh đạo Chính phủ, đến nay khu vực xây nhà ga (gói thầu 5.10) đã hoàn thành cơ bản đắp đất nền, đóng cọc để khởi công vào cuối tháng này như dự kiến. Tuy nhiên thông tin từ Tổng Công ty hàng không Việt Nam (ACV – chủ đầu tư), toàn bộ gói thầu chưa tìm được đơn vị thi công, phải hủy để đấu thầu từ đầu.
Theo ACV, gói thầu 5.10 thuộc dự án thành phần 3, với các phần việc thiết kế bản vẽ và thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị… Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng, được xem là hạng mục quan trọng nhất của dự án sân bay ở giai đoạn 1. Toàn công trình dự kiến thực hiện trong 33 tháng từ khi hợp đồng có hiệu lực. Chủ đầu tư mời thầu từ ngày 24/9, song tất cả hồ sơ gửi đến không đáp ứng yêu cầu của dự án theo quy định tại khoản 1, Điều 17 Luật Đấu thầu.
Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV – Trưởng ban Quản lý dự án sân bay Long Thành, nhận định việc gói thầu 5.10 phải đấu thầu lại khiến tiến độ chung của sân bay bị chậm so với kế hoạch đề ra. Đến nay ACV chưa đưa ra mức độ ảnh hưởng cụ thể khi gói thầu quan trọng bị hủy. Dự kiến trong tháng 12 và chậm nhất là đầu năm sau, ACV sẽ mở thầu trở lại. “Sau khi đấu thầu thành công, nhà thầu tiếp cận hồ sơ mới tính toán được phải làm những việc gì, thời gian bao lâu…”, ông Bình nói.
Về lý do các hồ sơ không đáp ứng được yêu cầu mời thầu, Trưởng ban quản lý dự án sân bay Long Thành cho biết điều kiện đề ra khá thách thức cho các nhà thầu. Ví dụ như yêu cầu các nhà thầu phải có kinh nghiệm thi công ít nhất một dự án cấp đặc biệt là rất khó do các công trình như vậy ở trong nước rất ít. Chưa kể tình hình các doanh nghiệp xây dựng hiện không còn mạnh như trước. Ban đầu dự án được một số nhà thầu nước ngoài quan tâm, song “mốc thời gian hoàn thành trong 33 tháng” bị xem quá gấp, khó khả thi nên không nộp hồ sơ.
Theo ông Bình, quy trình đấu thầu dự án sân bay Long Thành phải tuân thủ tuyệt đối quy định pháp luật. Nhà thầu cần đáp ứng những điều kiện khó và chủ đầu tư không thể can thiệp, điều chỉnh. Trước mắt, ACV tiếp tục mở thầu lại cho đến khi tìm được đơn vị thi công thích hợp. Song song đó các bên cùng ngồi lại, rà soát các điều kiện, bởi nguyên tắc khi đấu thầu không thành công nhiều lần, hồ sơ mời thầu sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
Giải phóng mặt bằng chậm cũng là một trở ngại
Ngoài gói thầu nhà ga chậm tiến độ, giải phóng mặt bằng chậm, thời tiết mưa nhiều là trở ngại không nhỏ đến tiến độ dự án sân bay. Theo ACV vào cuối tháng 11, đơn vị này mới nhận được gần 98% diện tích mặt bằng khu vực thi công giai đoạn 1 từ phía Đồng Nai (hơn 1.770 ha trên tổng số 1.810 ha). Còn lại khoảng 39 ha chưa được tỉnh bàn giao, trong đó khoảng 10 ha chưa phê duyệt phương án bồi thường.
Nguyên nhân là khu tái định cư chưa đáp ứng tiến độ, các hộ phát sinh sau này chưa có chỗ ở mới. Nhiều hộ còn vướng mắc về giấy tờ đất nên khó đền bù.
Chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) Lê Văn Tiếp cho biết chậm giải phóng mặt bằng do vướng mắc trong cơ chế chính sách đền bù nên việc kiểm duyệt, giải quyết hồ sơ chậm. Ngoài ra, nhiều hộ dân chuyển nhượng viết tay, đất vô chủ dẫn tới khó khăn trong đền bù. “Địa phương sẽ cố gắng hoàn thành phê duyệt hồ sơ cho các hộ dân còn lại, để chậm nhất đến tháng 1/2023 bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư”, ông Tiếp nói.
Theo kế hoạch điều chỉnh mới đây, dự kiến quý 1/2023 ACV sẽ triển khai thi công đồng loạt nhiều hạng mục, từ nhà ga, đường băng đến sân đỗ. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng để thi công hai tuyến đường kết nối số 1, số 2 đến nay chưa hoàn thành. Hai tuyến này bị chậm sẽ là rào cản lớn khi triển khai thi công đồng loạt các hạng mục khác, do không có đường để phục vụ thi công.
Yêu cầu bàn giao toàn bộ mặt bằng trong Quý 1/2023
Để giải quyết tình trạng chậm bàn giao mặt bằng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập tổ công tác để kịp thời đôn đốc, kiểm tra, kết nối và xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Do đó, các vấn đề tồn tại, vướng mắc của dự án cần được nhận diện rất cụ thể; đồng thời, việc xử lý phải bao quát, đồng bộ toàn dự án. Các chủ thể liên quan trực tiếp đến việc triển khai dự án là chủ đầu tư (ACV), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật.
Cụ thể, về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tiến độ bàn giao mặt bằng là điều kiện tiên quyết, quyết định đến tiến độ tổng thể của dự án.
Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ đề nghị ACV có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai để khảo sát các tuyến đường công vụ phục vụ thi công; chủ động bảo đảm phương án để không bị động trong tổ chức thi công tại công trường.
“Quá trình giải phóng mặt bằng phải thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm người dân có nơi ở mới với điều kiện hạ tầng tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai rà soát, đánh giá và có phương án xử lý các nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực; khẩn trương triển khai hoàn thành các công trình dở dang, bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác thu hồi đất, tái định cư; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu có khó khăn, vướng mắc.
Về việc điều chỉnh dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực hoàn thành công tác thẩm định, báo cáo Chính phủ trong tháng 2/2023 để trình Quốc hội.
Đảm bảo tiến độ, chất lượng nhà ga hành khách 35.000 tỷ đồng
Đối với hạng mục nhà ga hành khách, tiến độ thi công nhà ga hành khách là đường găng của dự án. Đây là công trình có quy mô lớn 35.000 tỷ đồng, kỹ thuật phức tạp, công nghệ hiện đại, lần đầu tiên được triển khai trong nước.
Trong hồ sơ mời thầu lần 2, ACV khuyến nghị các nhà thầu cần nộp thầu sớm để có thời gian khắc phục, hỗ trợ trong trường hợp lỗi kỹ thuật, hoặc các sự cố phát sinh khác xảy ra gần thời điểm đóng thầu. Dự kiến, ACV sẽ mở hồ sơ chấm thầu vào ngày 28/3, đám phán và ký hợp đồng xong trước ngày 30/4.
Do đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng vai trò của các nhà thầu tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm là rất quan trọng; đặc biệt là các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu sẽ quyết định đến hiệu quả, khả thi trong tổ chức thi công, vận hành dự án.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ACV rà soát phạm vi hợp đồng để xác định trách nhiệm của các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, quản lý…, có giải pháp bổ sung nhiệm vụ hoặc lựa chọn nhà thầu tư vấn để hỗ trợ rà soát hồ sơ mời thầu, hỗ trợ vận hành, khai thác…
Trong mọi trường hợp, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc ACV chịu trách nhiệm toàn diện trong việc bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả của dự án theo quy định của pháp luật.
ACV rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam về quyết toán, kiểm toán, thanh tra… để kiến nghị cấp có thẩm quyền áp dụng phù hợp với thực tiễn của gói thầu, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nêu rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2020.