VNDIRECT nhấn mạnh điện gió sẽ chắc chắn là lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2022-2030 nhờ những định hướng vững vàng từ chính phủ, được hỗ trợ bởi chi phí đầu tư giảm mạnh.
Theo Nhịp sống thị trường, EVN cho biết, tổng sản lượng điện tăng mạnh trong tháng 8 là 11% và tháng 9 là 17% từ mức nền thấp 2021, sản lượng toàn quốc trong 10 tháng đầu năm nay tăng 6,3% so với cùng kỳ, đạt mức 204,5 tỷ kWh. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với tăng trưởng GDP và thấp hơn mức tăng dự báo trong dự thảo Quy hoạch điện 8.
Mục lục - Table of Contents
Năng lượng tái tạo nóng lòng chờ đợi cú hích chính sách giá và điện gió là tâm điểm phát triển trong giai đoạn 2022-2030
Trong báo cáo mới đây triển vọng ngành điện mới cập nhật, VNDIRECT đánh giá dự thảo QHĐ8 mới nhất tiếp tục củng cổ triển vọng tươi sáng của năng lượng tái tạo (NLTT). Bản dự thảo mới đã tiếp thu và điều chỉnh những thông tin quan trọng, trong đó tiếp tục nâng cao tầm quan trọng của NLTT. VNDIRECT giữ vững quan điểm mảng điện này sẽ là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển ngành điện của Việt Nam ở cả ngắn và dài hạn.
Đối với điện gió, bản dự thảo tháng 11 tiếp tục đề cao hơn nữa tầm quan trọng của điện gió với tỉ trọng lớn trong giai đoạn 2022-2050. Theo đó, sẽ tiếp tục có một giai đoạn phát triển nóng của nguồn điện này sau khi giai đoạn chạy đua FIT kết thúc. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kép công suất điện gió sẽ đạt mức 16% trong giai đoạn 2022-2045. Nhìn chung, tổng công suất điện gió dự kiến sẽ chiếm 18% tổng công suất toàn hệ thống trong năm 2030, sau đó sẽ tiếp tục sở hữu tỉ trọng cao nhất là 30% trong 2045.
Nhìn vào một khía cạnh khác, VNDIRECT thấy rằng xu hướng giảm giá chi phí quy dẫn (LCOE) cũng chính là yếu tố quan trọng, thúc đẩy ngành điện gió bùng nổ hơn trong tương lai.
Đối với Điện Mặt trời trang trại, sau giai đoạn phát triển ồ ạt, nguồn điện này sẽ được dừng phát triển mới từ nay đến 2030.
Ở khía cạnh khác, xu hướng mua bán và sáp nhật (M&A) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình triển vọng ngành NLTT sau giai đoạn giá FIT. Rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy tiềm năng lớn của mảng NLTT tại Việt Nam, và hàng loạt các tập đoàn lớn đến từ Thái Lan, Philippines đã tiếp cận thị trường trong nước thông qua nhiều hình thức đầu tư linh hoạt.
Khi bức tranh ngành điện đang dần rõ nét hơn, tập trung phát triển NLTT, VNDIRECT cho rằng xu hướng M&A sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong các năm tới. Tính cạnh tranh trong giai đoạn này sẽ tăng cao với nhiều thành phần nhà đầu tư đến từ nhiều nơi trên thế giới, do đó, các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để sẵn sàng chạy đua cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ sắp tới.
Có thể thấy, việc cạnh tranh giá và chi phí đầu tư sẽ được quan tâm nhất trong những năm tới. Điều này cũng làm tăng tính hiệu quả và giúp thị trường hấp dẫn hơn. Qua đó, các doanh nghiệp quy mô lớn cũng có nhiều lợi thế trong khi đàm phán, nhất là với bối cảnh thị trường điện bán lẻ dần được hình thành.
Doanh nghiệp có kinh nghiệm dày dặn trong việc phát triển và vận hành các dự án NLTT sẽ có năng lực đấu thầu tốt hơn nhờ khả năng quản lý hiệu quả, tiết kiệm chi phí cũng như tiềm lực tiếp cận các nguồn vốn lớn với chi phí rẻ . Đây là những yếu tố quyết định để mở rộng danh mục và sở hữu “miếng bánh” lớn hơn trong ngành.
VNDIRECT cho rằng yếu tố quyết định để đánh giá triển vọng của doanh nghiệp năng lượng tái tạo phụ thuộc vào khả năng phát triển công suất mới, điều mà hiện tại đang bất khả thi khi chưa có một chính sách giá mới sau khi giá FIT kết thúc. Việc khẩn trương ban hành một cơ chế giá mới sẽ tháo gỡ những nút thắt, tạo điều kiện phát triển lý tưởng cho nguồn NLTT nhằm đạt được những mục tiêu rất tham vọng của Việt Nam trong thời gian tới.
Thủy điện sẽ bước ra khỏi pha thuận lợi trong 2023-2024
Theo đơn vị này, thời tiết Việt Nam đã trải qua pha La Nina kéo dài từ quý IV/2021. Theo EVN, giai đoạn 10 tháng năm 2022 tiếp tục ghi nhận trạng thái bất thường với mùa nóng mát mẻ hơn và lượng mưa dồi dào ngay cả trong mùa khô. Theo đó, thủy điện được huy động với mức sản lượng cao nhờ giá bán rẻ, tăng 30% so với cùng kỳ, đạt 82 tỷ kWh và chiếm 36.6% tỷ trọng sản lượng toàn quốc.
Do đó, VNDirect dự báo thủy điện sẽ đóng góp mức sản lượng thấp hơn từ 2023-2024, tạo dư địa huy động cho các nguồn điện khác.
Ở khía cạnh giá bán điện bình quân, việc đẩy khung giá huy động của nhiệt điện sẽ đồng thời tạo điều kiện để nguồn thủy điện được huy động với mức giá cao hơn trên thị trường điện cạnh tranh trong các năm tới.
Bên cạnh đó, VNDirect cho rằng, triển vọng phát triển thủy điện đang dần cạn kiệt khi dư địa mở rộng công suất nguồn điện này đã đạt giới hạn, sẽ còn dư địa khoảng 6.000 MW thủy điện nhỏ (< 30 MW) trong giai đoạn tới. Thủy điện nhỏ hiện đang được xếp loại là năng lượng tái tạo do ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường và cảnh quan chung.
Tuy các nhà máy thủy điện nhỏ phụ thuộc nhiều vào thời tiết và khả năng điều tiết kém, các dự án này được hưởng mức giá bán cao hơn trung bình 20-30% so với giá bán các nhà máy thủy điện công suất lớn nhờ chính sách biểu phí tránh được.
[ Nguồn: Sưu tầm]