Việt Nam hiện là một nền kinh tế năng động có tốc độ tăng trưởng cao, chính vì vậy nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng. Với mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang đẩy mạnh việc chuyển đổi ngành năng lượng, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và giảm thiểu sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch. Đây cũng là xu hướng tất yếu để đảm bảo cho một nền kinh tế phát triển bền vững.
Mục lục - Table of Contents
Điện gió và điện mặt trời chiếm tỉ trọng ngày càng tăng
Tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để thực hiện được cam kết đó, Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư vào việc chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời.
Theo tạp chí “The Economist”, trong 4 năm tính đến năm 2021, tỷ trọng năng lượng mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ mức thực tế gần như bằng 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới, mà tỉ trọng này còn cao hơn so với các nền kinh tế lớn như Pháp hay Nhật Bản. Năm 2020, Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 thế giới.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong tháng 7/2022 đạt 24,55 tỷ kWh. Lũy kế 7 tháng đạt 158,02 tỷ kWh, tăng 4,2% so với cùng kỳ, trong đó tỉ lệ huy động sản lượng nguồn điện năng lượng tái tạo đạt 22,06 tỷ kWh, chiếm 14%, riêng điện mặt trời đạt 16,54 tỷ kWh, điện gió đạt 5,24 tỷ kWh.
Lộ trình và đầu tư phát triển năng lượng tái tạo
Hiện nay, Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững, thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh ưu tiên đến phát triển hợp ý nguồn năng lượng tái tạo.
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Phân tích cho thấy khoảng 370GW năng lượng tái tạo có thể được tạo ra thêm vào năm 2040 nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng tốt đối với các nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần có các chính sách, thay đổi trong hoạch định mở rộng hệ thống năng lượng, khung pháp lý đối với việc thu mua để đảm bảo nguồn năng lượng tái tạo có chi phí thấp.
Theo phân tích của các chuyên gia, Việt Nam có thể từng bước thay thế năng lượng hóa thạch thông qua đẩy mạnh phát triển năng lượng gió. Với lợi thế về khí hậu và địa hình, Việt Nam rất có lợi thế để phát triển điện gió cả trên bờ và ngoài khơi. Đặc biệt, với điện gió ngoài khơi là một tiềm năng lớn bởi gió ngoài khơi ổn định hơn trên đất liền.
Lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong quá trình chuyển dịch năng lượng cần giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó đặc biệt lưu ý đến tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo và việc chuyển đổi, mất việc làm của người lao động trong các ngành, lĩnh vực chẳng hạn từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
[ Nguồn: Sưu tầm ]